XỬ LÝ NƯỚC THẢI SẢN XUẤT GIẤY
Hiện nay, nền kinh tế ngày càng phát triển kéo theo sự phát triển của các ngành nghề dịch vụ, trong đó công nghiệp sản xuất giấy là ngành có nhu cầu sử dụng cao trong mọi lĩnh vực. Đi đôi với những lợi ích về kinh tế – xã hội, ngành công nghiệp sản xuất giấy cũng phát sinh nhiều vấn đề về môi trường. Nước thải phát sinh ra trong từng công đoạn sản xuất giấy như rửa giấy, tẩy giấy, nghiền bột, đặc biệt là trong sản xuất bột giấy, đây là loại nước thải rất khó xử lý. Cần có biện pháp xử lý triệt để và đổi mới dây chuyền công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường.
Nguồn phát sinh nước thải trong sản xuất
Dòng thải từ quá trình nấu, rửa sau nấu chứa phần lớn các chất hữu cơ hòa tan, các hóa chất nấu và một phần xơ sợi. Dòng thải có màu tối nên thường được gọi là dịch đen.
+ Dịch đen có nồng độ chất khô khoảng 25 đến 35%, tỷ lệ giữa chất hữu cơ và vô cơ vào khoảng 70:30.
+ Thành phần hữu cơ là lignin hòa tan vào dịch kiềm, sản phẩm phân hủy hydratcacbon, axit hữu cơ.
+Thành phần vô cơ gồm những hóa chất nấu, phần nhỏ là NaOH, Na2S tự do, Na2CO3 còn phần nhiều là kiềm natrisunphat liên kết với các chất hữu cơ trong kiềm.
Dòng thải từ công đoạn tẩy trắng của các nhà máy sản xuất bột giấy bằng phương pháp hóa học hay bán hóa học thường chứa các hợp chất hữu cơ, lignin hòa tan và hợp chất tạo thành của những hợp chất đó với chất tẩy ở dạng độc hạt có khả năng tích tụ sinh học trong cơ thể sống như các hợp chất clo hữu cơ.
Khi tẩy bằng các hợp chất chứa clo, các thông số ô nhiễm đặc trưng như BOD vào khoảng 15-17 kg/tấn bột giấy, COD khoảng 60-90 kg/tấn bột giấy, đặc biệt giá trị AOX (các hợp chất clo hữu cơ) khoảng 4-10 kg/tấn bột giấy.
Dòng thải từ quá trình nghiền bột và xeo giấy chủ yếu chứa xơ sợi mịn, bột giấy ở dạng lơ lững và các chất phụ gia như nhựa thông, phẩm màu, cao lanh…
Thành phần và tính chất nước thải
Nước thải chế biến giấy chứa xơ sợi, có nồng độ COD, BOD, SS tương đối cao và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nếu thải trực tiếp ra môi trường.
Sơ đồ công nghệ xử lý nước thải sản xuất giấy
Xử lý nước thải sản xuất giấy là công việc hết sức khó khăn và tốn kém, đòi hỏi vốn đầu tư và chi phí vận hành cao.
Xử lý nước thải giấy chủ yếu là tách chất rắn lơ lửng và các chất hữu cơ hoàn tan trong dòng thải bằng xử lý lắng, tạo bông và xử lý sinh học.
Để xử lý nước thải thường ứng dụng các phương pháp sau: Xử lý cơ học (vật lý), hóa học, hóa lý và sinh học.
Thuyết minh quy trình công nghệ xử lý nước thải sản xuất giấy
Nước thải từ công đoạn sản xuất bột giấy được đưa qua hố thu nhằm điều chỉnh pH thích hợp. Sau đó, nước thải từ hố thu và nước thải từ công đoạn xeo giấy được đưa qua song chắn rác nhằm giữ lại những tạp chất thô (chủ yếu là rác) có trong nước thải. Sau đó nước được đưa qua bể lắng cát, để lắng các tạp chất vô cơ đảm bảo cho các qúa trình xử lý sau, cát từ bể lắng được dẫn đến sân phơi cát để làm ráo nước và đem đi chôn lắp hoặc trải đường.
Nước tiếp tục đưa sang bể điều hòa hệ nhằm ổn định lưu lượng và nồng độ. Hệ thống phân phối khí được sử dụng để cấp khí nhằm mục đích hòa trộn đồng đều nước thải trên toàn diện tích bể, ngăn ngừa hiện tượng lắng cặn ở bể, sinh ra mùi khó chịu. Điều hòa lưu lượng là phương pháp được áp dụng để khắc phục các vấn đề sinh ra sự dao động của lưu lượng, cải thiện hiệu quả hoạt động của các quá trình xử lý tiếp theo. Bơm được lắp đặt trong bể điều hòa để đưa nước lên các công trình phía sau.
Từ bể điều hòa nước được bơm trực tiếp sang bể keo tụ tạo bông, nhằm keo tụ giảm lượng chất rắn lơ lửng tiếp tục được chảy sang bể kỵ khí. Sau đó, đưa nước sang bể lắng 1 loại bỏ các cặn sinh ra trong quá trình keo tụ tạo bông. Ở đây ta thu hồi bột còn một phần bùn được đưa sang bể chứa bùn. Nước thải tiếp tục sang bể arotank. Bể Aerotank có nhiệm vụ xử lý các chất hữu cơ còn lại trong nước thải. Tại bể Aerotank diễn ra quá trình oxi hóa các chất hữu cơ hòa tan và dạng keo trong nước thải dưới sự tham gia của vi sinh vật hiếu khí. Trong bể Aerotank có hệ thống sục khí trên khắp diện tích bể nhằm cung cấp oxi, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật hiếu khí sống, phát triển và phân giải các chất ô nhiễm. Vi sinh vật hiếu khí sẽ tiêu thụ các chất hữu cơ dạng keo và hòa tan có trong nước để sinh trưởng. Vi sinh vật phát triển thành quần thể dạng bông bùn dễ lắng gọi là bùn hoạt tính. Khi vi sinh vật phát triển mạnh, sinh khối tăng tạo thành bùn hoạt tính. Hàm lượng bùn hoạt tính nên duy trì ở nồng độ khoảng 2500 – 4000 mg/l. Do đó, một phần bùn lắng tại bể lắng sẽ được bơm tuần hoàn trở lại vào bể Aerotank để đảm bảo nồng độ bùn nhất định trong bể. Nước thải sau xử lý sinh học có mang theo bùn hoạt tính cần phải loại bỏ trước khi đi vào các bể tiếp theo, vì vậy bể lắng 2 có nhiệm vụ lắng và tách bùn hoạt tính ra khỏi nước thải.
Nước sạch được thu đều trên bề mặt bể lắng thông qua máng tràn răng cưa. Nước thải sau bể lắng sẽ tự chảy sang bể khử trùng qua Clo và được bơm qua bể lọc áp lực đa lớp vật liệu: sỏi đỡ, cát thạch anh và than hoạt tính, để loại bỏ các hợp chất hữu cơ hòa tan, các nguyên tố dạng vết, những chất khó hoặc không phân giải sinh học và halogen hữu cơ. Nước thải sau khi qua bể lọc áp lực sẽ đi qua bể nano dạng khô để loại bỏ lượng SS còn sót lại trong nước thải, đồng thời khử trùng nước thải trước khi nước thải được xả thải vào nguồn tiếp nhận. Nước sau khi qua bể nano dạng khô đạt yêu cầu xả thải vào nguồn tiếp nhận theo quy định hiện hành của pháp luật theo QCVN12:2015/BTNMT.
Chúng tôi rất tự hào khi được tư vấn và thực hiện lắp đặt các hệ thống xử lý nước thải sản xuất giấy cho nhiều đơn vị, luôn áp dụng các công nghệ giải pháp mới nhất giúp đem lại lợi ích tối đa như một món quà đặc biệt dành cho các bạn.