Hoài Đức, Hà Nội: Đơn vị sử dụng chất thải làm vật liệu san lấp dự án?
Quá trình thi công xây dựng Sân chơi thể thao xã An Thượng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đơn vị thi công đã sử dụng chất thải làm vật liệu san lấp, gây nguy cơ thất thoát tiền ngân sách, làm ô nhiễm môi trường và chất lượng công trình không đạt chuẩn.
Xe tải chở đất thải từ Dự án nâng cấp, cải tạo đường Sơn Đồng – Song Phương trên địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội đổ trực tiếp về dự án này.
Thời gian qua, người dân thôn Đào Nguyên, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội rất bức xúc về việc, trong quá trình triển khai xây dựng Sân chơi thể thao xã An Thượng, chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức lại sử dựng chất thải xây dựng để làm vật liệu san lấp, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Ngoài ra, họ cũng lo lắng trước việc sử dụng vật liệu san lấp không đạt chuẩn này thì chất lượng công trình có đảm bảo chất lượng?
Qua quan sát của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, tại công trình Sân chơi thể thao xã An Thượng đã được đổ một lượng lớn vật liệu san lấp, phần lớn là chất thải xây dựng, gạch vữa và đất bùn thải được vận chuyển đến từ một dự án khác.
Gạch vữa lổm ngổm dùng để san lấp công trình.
Theo tìm hiểu, nguồn đất thải này được lấy từ Dự án nâng cấp, cải tạo đường Sơn Đồng – Song Phương trên địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội, cũng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức làm chủ đầu tư.
Trước thông tin trên, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với Chủ tịch UBND xã An Thượng, vị này cho biết: Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức. Giám sát cộng đồng là Trưởng thôn Đào Nguyên. Gần đây, thôn báo cáo tiến độ công việc và việc san lấp ở dự án vẫn diễn ra bình thường.
Trả lời câu hỏi của PV về quá trình san lấp, chủ đầu tư không sử dụng các loạt vật liệu san lấp (đất, cát…) đạt chuẩn theo quy định, mà sử dụng chất thải vật liệu xây dựng, đất bùn thải của một dự án khác để thi công thì liệu chất lượng công trình có đảm bảo? Người đứng đầu chính quyền xã An Thượng nói sẽ cho kiểm tra, nắm bắt lại vì có thể họ mới đổ, và sẽ phản ánh sự việc tới Ban Quản lý dự án.
Đủ các loại phế thải được gom về đây để dùng làm vật liệu san lấp, gây ô nhiễm môi trường.
Trong một diễn biến khác, theo tìm hiểu của PV, đất dùng để san lấp mặt bằng dự án trên địa bàn huyện Hoài Đức đang khan hiếm, giá đất dao động từ 70.000-100.000 đồng/m3. Như vậy, việc đơn vị thi công và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức sử dụng nguồn đất bùn thải rất lớn của dự án khác để làm vật liệu san lấp dự án sân chơi thể thao trên đã giúp 2 đơn vị này “tiết kiệm” một số tiền không hề nhỏ, và số tiền này “chảy” vào túi ai thì vẫn còn là một dấu hỏi.
Để sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát nguồn vốn ngân sách Nhà nước và đảm bảo chất lượng thi công, an toàn vui chơi cho người dân khi công trình Sân chơi thể thao xã An Thượng đưa vào sử dụng. Thiết nghĩ lãnh đạo UBND huyện Hoài Đức và các ban, ngành liên quan cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đổ thải gây ô nhiễm môi trường, và việc sử dụng vật liệu san lấp đạt chuẩn khi thi công dự án trên.