Hội thảo tham vấn Dự thảo số 0 hướng đến phiên đàm phán thứ Ba Thoả thuận Toàn cầu về Ô nhiễm Nhựa.
Hội thảo tham vấn Dự thảo số 0 hướng đến phiên đàm phán thứ Ba Thoả thuận Toàn cầu về Ô nhiễm Nhựa.
Hội thảo tham vấn Dự thảo số 0 hướng đến phiên đàm phán thứ Ba Thoả thuận Toàn cầu về Ô nhiễm Nhựa.
Trong 2 ngày (2-3/11), tại Đà Nẵng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cùng với Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức hội thảo tham vấn về Dự thảo số 0 hướng đến phiên đàm phán thứ Ba Thoả thuận Toàn cầu về Ô nhiễm Nhựa.
Tham dự Hội thảo, về phía Bộ TN&MT, có đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, đại diện Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, đại diện Đại sứ quán Na Uy, đại diện các tổ chức quốc tế: UNDP, WWF, USAID ...; đại diện doanh nghiệp, tổ chức khác liên quan đến lĩnh vực sản xuất, sử dụng, tái chế các sản phẩm nhựa.
Ông Trương Đức Trí – Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, ô nhiễm chất thải nhựa, bao gồm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành một trong ba thách thức toàn cầu lớn nhất về môi trường hiện nay.
Nhận thức được điều đó, Chính phủ Việt Nam đã dành sự quan tâm đặc biệt thông qua những cam kết quốc tế và hành động mạnh mẽ nhằm đóng góp vào nỗ lực toàn cầu để giải quyết thách thức to lớn này, hướng đến môi trường trong lành và sự phát triển bền vững cho các thế hệ mai sau.
Các cam kết quốc tế của Việt Nam đã được Đảng và Chính phủ kịp thời cụ thể hóa trong các văn bản chỉ đạo và hệ thống chính sách và pháp luật thời gian qua, điển hình như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã cụ thể quá các quy định và nội dung liên quan đến quản lý chất thải nhựa; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia “tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”; Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đã đặt ra yêu cầu “Thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương”.
Quang cảnh Hội thảo
Theo ông Trương Đức Trí, thông qua Nghị quyết của Chương trình môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) năm 2022 về Chấm dứt ô nhiễm nhựa, hướng tới một văn kiện ràng buộc pháp lý quốc tế, các quốc gia thành viên đã thành lập Ủy ban đàm phán liên Chính phủ để điều phối quá trình đàm phán xây dựng một Thỏa thuận toàn cầu. Đến nay, đã tổ chức được 2 phiên đàm phán cấp cao, phiên thứ ba sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Kenya.
Bộ TN&MT được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan thường trực về công tác đàm phán Thỏa thuận toàn cầu của Việt Nam. Hiện nay, Bộ TN&MT đã và đang cùng với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan chủ động tham gia các phiên đàm phán, thường xuyên tổ chức các Hội nghị, Hội thảo để trao đổi, thảo luận về quan điểm đàm phán của Việt Nam.
Tiếp nối chuỗi các hoạt động đã được Bộ TN&MT tổ chức, Hội thảo ngày hôm nay sẽ giới thiệu những nội dung chính của Dự thảo số 0 Thỏa thuận toàn cầu do Ủy ban đàm phán liên Chính phủ dự thảo để phục vụ cho Phiên đàm phán thứ 3 tại Kenya tới đây.
“Tôi mong rằng, các đại biểu tham dự sẽ tích cực trao đổi, thảo luận, cho ý kiến về tính phù hợp giữa các mục tiêu của Dự thảo với các mục tiêu và định hướng của Việt Nam và với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ban tổ chức Hội thảo mong muốn được lắng nghe ý kiến từ tất cả các bên liên quan, đặc biệt các doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam là đối tượng dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng, tác động và có thể cả hưởng lợi từ việc Việt Nam tham gia Thỏa thuận này.”, ông Trương Đức Trí đề nghị.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp hình lưu niệm
Báo cáo tại Hội thảo, đại diện Bộ TN&MT cho biết, trước khi Hội thảo tham vấn này diễn ra, Nhóm các nước Châu Á Thái Bình Dương (APG) đã có cuộc họp bên lề tham vấn khu vực Dự thảo số 0 và đạt được một số thỏa thuận như: tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực quản lý chất thải nhựa đã có như kế hoạch hành động quốc gia, sáng kiến G20 cũng như các chiến lược và lộ trình quốc gia.
APG thống nhất về tầm quan trọng của hợp tác và phối hợp quốc tế trong việc giải quyết ô nhiễm nhựa cũng như việc chia sẻ thông tin và dữ liệu về nhựa và chất thải nhựa đóng vai trò quan trọng trong nội dung Thỏa thuận; thống nhất cần cân nhắc sự tham gia của hệ thống thu gom phi chính thức, cộng đồng bản địa, phụ nữ, thanh niên;.....
Tại Hội thảo, TS. Michael Parsons, Cố vấn chính sách của Bộ TN&MT đã có bài trình bày về “Hiệp ước Toàn cầu về Ô nhiễm nhựa và các Thỏa thuận pháp lý quốc tế liên quan” trong đó cung cấp thông tin rất đầy đủ về các thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý quốc tế được xem xét trong Dự thảo số 0 như: Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại (CTNH) và việc tiêu huỷ chúng (Công ước Basel), Công ước Rotterdam về thủ tục chấp thuận thông báo trước đối với một số hóa chất và thuốc trừ sâu độc hại trong thương mại quốc tế (Công ước Rotterdam), Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) (Công ước Stockholm), Công ước Minamata về Thủy ngân (Công ước Minamata), Hiệp định về Bảo tồn và Sử dụng bền vững Đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (còn gọi là Hiệp định Biển cả), Nghị định thư về các chất làm suy giảm tầng ôzôn được điều chỉnh và sửa đổi…
TS. Michael Parsons - Cố vấn chính sách của Bộ Tài nguyên và Môi trường
Theo TS. Michael Parsons, có 2 lĩnh vực chính nhận được sự quan tâm trong bản thảo đầu tiên của Hiệp ước về nhựa toàn cầu và các hiệp định quốc tế nêu trên đó là hóa chất trong nhựa (có tác động tới sức khỏe con người và môi trường) và việc kinh doanh các mặt hàng nhựa và bất kỳ mối lo ngại nào về sự chồng chéo giữa nội dung của Hiệp ước và các Công ước sẽ được giải quyết bằng khả năng vận dụng chuyên môn khoa học và kỹ thuật của Hiệp ước để đạt được các hành động thiết thực và đem lại hiệu quả.
Đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm và môi trường đã trình bày tổng quan hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam về quản lý rác thải nhựa và trách nhiệm của các Bộ, ngành trong quản lý chất thải nhựa. Cụ thể như Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, đặc biệt Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.... đã thực sự tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị và xã hội về tăng cường quản lý chất thải, phù hợp với các cam kết của Việt Nam với quốc tế về giảm thiểu chất thải nhựa, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Trong 2 ngày diễn ra Hội thảo, các đại biểu sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về những đánh giá sơ bộ tính phù hợp giữa các mục tiêu của Dự thảo số 0 với các mục tiêu và định hướng của Chính phủ Việt Nam trên cơ sở các văn bản hiện hành; tiếp cận Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa trên cơ sở các Điều ước quốc tế về môi trường mà Việt Nam là thành viên; Quan điểm của một số tổ chức trong khu vực liên quan đến đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa; Cập nhật tình trạng sử dụng và ô nhiễm nhựa toàn cầu; Các chính sách, quy định về quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam; Đánh giá tính khả thi của việc Việt Nam gia nhập Liên minh tham vọng cao (HAC)....
Đồng thời, đại diện của các doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam, một số tổ chức về môi trường cũng đóng góp ý kiến và quan điểm để đoàn đàm phán của Chính phủ có thêm một số góc nhìn từ thực tế chuẩn bị cho đàm phán phiên thứ 3 Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa sẽ diễn ra vào tháng 11/2023 tại Nairobi, Kenya.