Thiệu Hóa (Thanh Hóa): Tăng cường công tác quản lý tài nguyên và môi trường
Trong quá trình thực hiện công tác quản lý tài nguyên và môi trường (TN&MT), huyện Thiệu Hóa chú trọng điều tra, thống kê chất thải, đánh giá tình hình ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường
Những tháng đầu năm 2022, huyện Thiệu Hóa tiếp tục hướng dẫn các xã, thị trấn trên địa bàn thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thẩm định và xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường theo thẩm quyền, lồng ghép các nội dung bảo vệ môi trường vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Ảnh minh họa
Trong quá trình thực hiện công tác quản lý tài nguyên và môi trường (TN&MT), huyện Thiệu Hóa chú trọng điều tra, thống kê chất thải, đánh giá tình hình ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường; đồng thời, hướng dẫn hoạt động thu gom, vận chuyển, chôn lấp chất thải rắn thông thường. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Huyện đã thực hiện kiện toàn tổ công tác liên ngành phục vụ công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn; triển khai kế hoạch thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải nguy hại đối với các chủ nguồn thải có số lượng chất thải nguy hại phát sinh... Về tiềm năng khoáng sản cát, sỏi trên địa bàn, huyện có 2 con sông lớn đi qua là sông Mã, sông Chu và đã tạo thành nhiều bãi bồi chứa một lượng cát lớn phục vụ nhu cầu xây dựng. Khối lượng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch và cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn huyện Thiệu Hóa là 3,86 triệu m3. UBND huyện giao cho Phòng TN&MT là đầu mối tham mưu cho huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khoáng sản nói chung, cũng như các quy định về khoáng sản cát, sỏi lòng sông nói riêng. Trên địa bàn huyện đã được UBND tỉnh cấp 11 giấy phép khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông và hiện tại có 8 giấy phép còn hiệu lực. Thực tế thời gian qua cho thấy, công tác quản lý, khai thác và kinh doanh tài nguyên khoáng sản trên địa bàn đã được huyện Thiệu Hóa quan tâm đúng mức, với việc điều hành quyết liệt, đồng bộ từ huyện đến xã và hoạt động khai thác trái phép cơ bản đã được ngăn chặn kịp thời, các bãi tập kết cát trái phép đã được giải tỏa. Việc khai thác, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản của các doanh nghiệp cơ bản được quản lý, giám sát đúng theo các quy định của pháp luật. Đi đôi với đó, hằng năm, tổ công tác liên ngành được thành lập thực hiện tuần tra, kiểm soát dọc hai tuyến sông Mã, sông Chu về hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh cát, sỏi lòng sông. Bên cạnh đó, việc dư luận phản ánh, từ đầu năm 2022 đến nay, tại bờ hữu sông Chu, qua xã Tân Châu có 3 điểm sạt lở mới đã và đang có diễn biến phức tạp, với chiều dài khoảng 820m. Ngoài ra, ngày 31-3-2022, có 9 hộ dân nộp đơn kiến nghị lên UBND xã Tân Châu về tình trạng sạt lở đất sản xuất nông nghiệp và xã đã chỉ đạo kiểm tra, ghi nhận diện tích sạt lở khoảng 480m2.
Nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, huyện Thiệu Hóa đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Công an tỉnh, Sở Giao thông - Vận tải tăng cường công tác kiểm soát xe ô tô vận chuyển vật liệu xây dựng có nguồn gốc là khoáng sản trên các tuyến đường giao thông; việc đăng ký, đăng kiểm và công suất khai thác của các tàu thuyền trên sông và xử lý nghiêm những vi phạm theo quy định. Giao Sở TN&MT tăng cường kiểm soát chặt chẽ khối lượng, công suất khai thác vật liệu xây dựng có nguồn gốc là khoáng sản của các điểm mỏ, kiến nghị dừng hoặc thu hồi mỏ nếu các chủ mỏ không chấp hành theo quy định của pháp luật. Đồng thời, giao Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các chi cục thuế cấp huyện thực hiện nghiêm túc việc mua bán, nộp thuế, phí theo quy định của pháp luật và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, đối với các bãi tập kết mà chủ bãi được thuê đất nhưng không có mỏ được cấp phép, dễ dẫn đến việc khai thác trái phép; các bãi gần các khu dân cư, khu đô thị, gần chân cầu, các điểm sạt lở gây ô nhiễm môi trường, nguy hiểm đến công trình và tính mạng của người dân... đề nghị thu hồi và giao địa phương quản lý.