Nhà sản xuất phải cam kết tái chế bao bì sản phẩm
heo Dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi), các nhà sản xuất phải cam kết tỉ lệ tái chế tối thiểu để không gây ô nhiễm, giảm gánh nặng ngân sách.
Chiều 25/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Liên minh tái chế bao bì Việt Nam tổ chức hội thảo "Khung trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)" trong dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi.
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đã có trong Luật Bảo vệ môi trường cách đây 15 năm nhưng thực tế chưa áp dụng được vào cuộc sống.
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Gia Chính
"Tỉ lệ tái chế của nước ta hiện khoảng 10% nhưng lại tập trung chủ yếu ở các làng nghề thủ công gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó những nhà sản xuất chưa đóng góp được nhiều trong việc thu gom, tái chế dẫn tới gánh nặng lên ngân sách nhà nước và gây ô nhiễm môi truờng", ông Hùng nêu.
Bà Fanny Quertamp, cố vấn quốc gia tại Việt Nam của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng trong vài thập kỷ qua Việt Nam có xu hướng phát triển kinh tế nhanh chóng nhưng đồng thời gia tăng nguồn rác thải. Bà đưa ra 15 lý do để thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với bao bì.
Bà Fanny Quertamp phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Gia Chính
"Về môi trường việc thực hiện EPR giúp nâng cao tỉ lệ thu gom, tái chế. Thúc đẩy nhà sản xuất thiết kế bao bì thân thiện với môi trường hơn. Gia tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên nhằm bảo tồn nguồn nguyên liệu", bà nói. Cách này cũng góp phần giảm thiểu nhựa thải bị vứt xuống sông, ngòi, đại dương, ô nhiễm không khí do đốt chất thải bao bì ngoài trời.
Về kinh tế, theo bà Fanny Quertamp, EPR sẽ giúp phát triển ngành tái chế và xử lý rác tạo ra việc làm chất lượng cao. Đồng thời giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu thô. "Ngoài ra, với môi trường trong sạch ngành du lịch sẽ thu hút được nhiều du khách hơn".
Về xã hội, EPR sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về cách phân loại, xử lý rác thải bao bì tại nhà. Tăng cường sự tham gia của lực lượng lao động bán chính thức và không chính thức trong lĩnh vực rác thải bằng cách cải thiện điều kiện làm việc và đời sống của họ.
"EPR mang lại cho các gia đình một môi trường có lợi cho sức khỏe, bao gồm việc giảm nguy cơ trong chuỗi thực phẩm", bà Fanny Quertamp khẳng định.
Ông Fausto Tazzi phát biểu. Ảnh: Gia Chính
Ông Fausto Tazzi, phó chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam cho biết bản thân bất ngờ khi Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa việc trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất vào dự thảo luật sửa đổi.
"Ngay cả đất nước của tôi là nước đã phát triển thì việc trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất cũng chưa được đưa vào luật", ông Fausto Tazzi nói. Cơ quan soạn thảo luật đã rất tiến bộ khi lấy đóng góp của cả các những đơn vị đang tham gia sản xuất.
Về dự thảo luật bảo vệ môi trường, ông Fausto Tazzi cho rằng không nên áp dụng mô hình đặt cọc hoàn trả ở Việt Nam. Mô hình là việc tăng thêm một khoảng tiền đặt cọc vào giá sản phẩm. Ví dụ giá sản phẩm là 5.000 đồng thì sẽ tăng lên thành 6.000 đồng, người tiêu dùng sẽ được trả lại 1.000 đồng nếu trả lại rác sau khi sử dụng.
"Mô hình trên sẽ phù hợp với người tiêu dùng có nhiều tiền vì họ không quan tâm lắm đến giá sản phẩm. Còn những nước đang phát triển thì người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng đến thu nhập", ông Fausto Tazzi nói.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết dự thảo luật sẽ đưa ra một tỉ lệ tái chế tối thiểu mà các nhà sản xuất phải đạt được. "Khoản tài chính được đóng góp bởi các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ chính quyền địa phương thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt đảm bảo công khai, minh bạch", vị này nói.